Từ nhiệm vụ được giao, các cán bộ của Viện kỹ thuật cơ giới quân sự, đứng đầu là Đại tá, Tiến sĩ Trần Hữu Lý đã vượt qua mọi khó khăn để cải hoán xe thiết giáp bánh lốp BTR-152 thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Xu Đăng. Giải pháp độc đáo này đã tiết kiệm hàng triệu USD cho ngân sách Bộ Quốc phòng và vô cùng xứng đáng được Giải nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019 lĩnh vực khoa học công nghệ.
Trước khi được đề cử nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019, công trình “Nghiên cứu cải tiến xe thiết giáp bánh lốp BTR-152 thành xe cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình” của tác giả Tiến sĩ Trần Hữu Lý, Thạc sĩ Bùi Đức Nho, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công, Thạc sĩ Lê Anh Dũng, Trần Công Huynh và các cộng sự đến từ Viện kỹ thuật cơ giới quân sự - Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng cũng được trao giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2018.
Từ mệnh lệnh “thép” cho đến giải pháp tiết kiệm hàng triệu USD
Trên cơ sở thành công của các cán bộ và đoàn công tác thuộc Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam được Phái bộ Liên hiệp quốc phân công tại một số nước. Bộ Quốc phòng Việt Nam được Liên hiệp quốc tin tưởng và giao nhiệm vụ thành lập 01 Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Xu Đăng để phục vụ cho việc cứu chữa thương binh tại đây. Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng Việt Nam 01 Bệnh viện dã chiến cấp 2 được thành lập với quan số là 70 người.
Đây là một nỗ lực lớn thể hiện năng lực và vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với với cộng đồng quốc tế trong việc tham gia giải quyết những hậu quả do các cuộc xung đột trên thế giới để lại; đồng thời góp phần cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là về quốc phòng, mở ra kênh hợp tác mới giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế. Việc Việt Nam tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với sứ mệnh đem lại hòa bình và thịnh vượng cho những khu vực chưa ổn định.
Để thành lập lên 01 bệnh viện dã chiến cấp 2, ngoài vấn đề con người thì, trang thiết bị là một trong những điều kiện tối quan trọng trong công tác chuẩn bị triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc (GGHB). Để bảo đảm cho công tác chuẩn bị về trang thiết bị, phía Việt Nam đã phối hợp, nhận viện trợ không hoàn lại 1 bộ trang bị Bệnh viện dã chiến cấp từ Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Australia.
Ngoài ra, có một trang bị tối quan trọng và không thể thiếu đối với Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại vùng xung đột như Nam Xu Đăng là cần phải có xe cứu thương bọc thép, xe vừa có các trang thiết bị cứu thương phục vụ việc cứu chữa thương binh vừa có khả năng bảo vệ. Với kinh phí mua mới 01 xe thiết giáp cứu thương là rất lớn, ngân sách Quốc phòng không đủ đáp ứng trong điều kiện thời gian cấp bách.
Viện kỹ thuật cơ giới quân sự đã được Tổng cục Kỹ thuật chỉ đạo và giao nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, phối hợp với Nhà máy Z153 cải tiến xe thiết giáp bánh lốp thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Đây là nhiệm vụ có thời gian thực hiện rất gấp rút, yêu cầu tiến độ nhanh và phải đảm bảo được các yêu cầu đề ra của Bệnh viện dã chiến cấp 2.
Tiến sĩ. Đại tá Trần Hữu Lý, Viện trưởng Viện kỹ thuật cơ giới quân sự, Trưởng nhóm nghiên cứu.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ. Đại tá Trần Hữu Lý, Viện trưởng Viện kỹ thuật cơ giới quân sự, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Xe cứu thương thiết giáp quân sự là chủng loại xe sử dụng trong chiến đấu nhằm bảo đảm công tác cơ động vận chuyển, sơ cứu, cấp cứu thương binh trên chiến trường. Các nước tiên tiến có biên chế loại trang bị này trong các đơn vị quân đội, nhưng chưa có quốc gia nào sử dụng xe thiết giáp cứu thương trong biên chế bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia Lực lượng GGHB. Lần đầu tiên, Chính phủ và Quân đội Việt Nam đề xuất cần phải biên chế xe thiết giáp cứu thương cho bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam làm nhiệm vụ GGHB của Liên Hợp Quốc tại Nam Xu Đăng để đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu thương và thương, bệnh binh khi làm nhiệm vụ. Đề xuất này, ngay lập tức được Phái bộ Liên Hợp Quốc nhất trí và ủng hộ, song trang bị phải được Phái bộ Liên Hợp Quốc kiểm tra, đánh giá, quyết định vào cuối tháng 01 năm 2018.
Với kinh phí mua mới 01 xe thiết giáp cứu thương là rất lớn, ngân sách Quốc phòng không đủ đáp ứng trong điều kiện thời gian cấp bách.
“Qua nghiên cứu các chủng loại xe thiết giáp cứu thương, ở nước ta không có loại xe cứu thương có khả năng bọc thép như các nước khác trên thế giới, kinh phí nhập khẩu lớn. Chình vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu cải tiến tính năng của xe thiết giáp có sẵn trong biên chế thành xe cứu thương đáp ứng kịp thời yêu cầu về tính năng và thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã nghiên cứu lựa chọn và đưa ra phương án cải hoán xe thiết giáp bánh lốp BTR-152 thành xe cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Xu Đăng”, Tiến sĩ Lý nói.
Vượt qua hàng loạt yêu cầu của Liên hợp quốc
Để đáp ứng các yêu cầu của Liên hợp quốc, nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu, tính toán, thiết kế, cải tiến, sử dụng giải pháp đồng bộ, trong đó có nhiều giải pháp cho các cụm, hệ thống khác nhau nhằm nâng cao tính năng chiến-kỹ thuật, biến đổi xe thiết giáp chở quân BTR-152 thành xe thiết giáp cứu thương có tính năng tương đương với xe thiết giáp cứu thương của các nước tiên tiến. Ngoài ra, xe thiết giáp quân BTR-152 sử dụng cho nhiệm vụ được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vào năm 1979, tới nay xe chưa qua sử dụng. Do yêu cầu của nhiệm vụ quan trọng, nên hệ số tin cậy và an toàn của xe phải cao. Vì vậy cùng với các giải pháp khác xe đã được thay mới toàn bộ các bộ phận, chỉ giữ lại khung xe và vỏ giáp chống đạn.
Nguyên bản xe thiết giáp chở quân BTR-152.
“Xe đi làm nhiệm vụ của Liên hợp quốc thì phải đáp ứng được các nhiệm vụ phía Liên hợp quốc đặt ra, trong đó có một số tính năng Liên hợp quốc yêu cầu rất là cao. Chính vì thế, Viện đã nghiên cứu đưa ra các giải pháp như diesel hóa cho xe bởi xe nguyên bản là chạy bằng xăng còn Liên hợp quốc yêu cầu chạy bằng diesel; hệ thống lái của xe trước đây vận hành rất là khó vì là xe thiết giáp lái trên hệ thống cơ khí nên phải triển khai sang lái bằng hệ thống trợ lực, thủy lực; khoang cứu thương phải làm bằng khoang kín…”, Đại tá Lý chia sẻ về những nhiệm vụ khó khăn mà Viện phải xử lý trong thời gian ngắn.
Hình ảnh mô phỏng xe BTR-152 sau cải tiến.
Vậy khó khăn lớn nhất đối với nhóm nghiên cứu là gì? “Khó khăn nhất đối với nhóm nghiên cứu là thời gian vô cùng gấp rút bởi Phái bộ Liên hợp quốc sẽ tiền trạm kiểm tra trang thiết bị sớm. Bên cạnh đó, nhiệt độ ngoài trời ở Nam Su Đăng vào mùa hè lên đến 53-55 độ C trong khi hệ thống làm lạnh thông thường xe của chúng ta thì chỉ giảm được 10 độ C so với ngoài trời mà yêu cầu của lực lượng Quân y xe cứu thương phải duy trì ở khoảng 25 độ C. Đây là một bài toán rất khó khăn nên chúng tôi buộc phải sử dụng nguyên lý điều hòa làm mát cưỡng bức và thử nghiệm nhiều lần”, Đại tá Lý nói.
Hệ thống điều hòa lắp đặt trên xe.
Để kiểm tra tính chính xác của mô hình và hiệu quả của giải pháp, nhóm tác giả đã thực hiện thử nghiệm mô hình hệ thống điều hòa trong môi trường nhiệt độ cao: chế tạo 01 khoang thử nghiệm bằng thép tấm dày 5mm, thể tích trong khoang 14 m3 tương đương với thể tích làm mát trên xe, khoang được bọc bảo ôn bằng vật liệu PU cao cấp dày 20 mm (giống như trên xe), khoang thử nghiệm được đặt trong buồng sơn sấy cỡ lớn chuyên dùng cho xe tăng thiết giáp, hệ thống điều hòa được lắp đặt để làm mát cho khoang.
Thử nghiệm hệ thống điều hòa trong buồng sơn sấy.
Tiến hành thử nghiệm: mở cửa khoang, gia nhiệt buồng sơn sấy tới nhiệt độ 60 đến 65 độ C và duy trì trong 60 phút để thấm nhiệt đều vào khoang thử nghiệm. Tiếp sau đó đóng kín cửa khoang thử nghiệm, vẫn duy trì nhiệt độ buồng sơn sấy và chạy điều hòa nhiệt độ. Kết quả thử nghiệm: sau 15 phút nhiệt độ trong khoang giảm từ 60 độ C về tới 17 đến 18 độ C.
Tiếp theo, ngừng hệ thống điều hòa để kiểm tra khả năng giữ nhiệt của bảo ôn, kết quả cứ sau 1 phút nhiệt độ trong khoang thử nghiệm giảm 1độ C. Thử nghiệm hệ thống điều hòa được tiến hành lặp lại như trên trong 10 ngày và được kiểm tra, đánh giá của các đơn vị đo lường trong Tổng cục Kỹ thuật và sau đó khẳng định hệ thống điều hòa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Hình ảnh xe thiết giáp cứu thương BTR-152 TGCT sau xuất xưởng.
Đoàn công tác đưa xe đi Cục GGHB phục vụ Phái bộ LHQ kiểm tra xe thiết giáp cứu thương BTR-152.
“Hiện nay xe đang làm nhiệm vụ ở Phái bộ Liên hợp quốc ở bệnh viện Dã chiến cấp 2.1. Theo như kết quả đánh giá của Phái bộ thì hàng quý người ta đi chấm điểm xe một lần và xe của chúng ta đã qua lần chấm điểm thứ 3 vẫn đạt được kết quả theo yêu cầu của Liên hợp quốc”, Đại tá Lý tự hào chia sẻ.
Đại tá Lý cũng cho biết thêm, từ việc nghiên cứu thành công cải hoán xe thiết giáp bánh lốp BTR-152 thành xe cứu thương thì Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng thêm. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai lực lượng công binh đi tham gia GGHB của Phái bộ Liên hợp quốc, Bộ quốc phòng và Tổng cục Kỹ thuật đã giao cho Viện tiếp tục cải hoán 5 xe thiết giáp BTR-152, trong đó một xe cải tiến thành xe cứu thương như phiên bản trước nhưng phải bổ sung thêm một số tính năng theo yêu cầu thực tế triển khai ở Nam Xu Đăng, 4 xe sẽ cải hoán thành sẽ bảo vệ cho lực lượng công binh Việt Nam làm nhiệm vụ ở Nam Xu Đăng.
Tự hào khi được Vinh danh ở Giải thưởng Nhân tài Đất Việt
Chia sẻ về việc được Vinh danh ở Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, Đại tá Lý bày tỏ: Khi làm nhiệm vụ thì chúng tôi chỉ biết toàn tâm, toàn sức, toàn ý phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân chứ không nghĩ mang lại kết quả ý nghĩa như thế này để đi tham gia các Giải thưởng. Khi được các Thủ trưởng, cơ quan cấp trên động viên, khuyến khích thì chúng tôi đã mang bộ tài liệu thiết kế để đi dự Giải thưởng. Kết quả cũng không ngờ là chúng tôi được đánh giá cao và đạt Giải nhất Giải thưởng Vifotec 2018 và được tham gia dự tiếp Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
“Giải thưởng này là một vinh dự lớn lao cho cán bộ, nhân viên của Viện. Lần đầu tiên Viện của chúng tôi được nhận Giải thưởng Vinh dự này. Để được nhận Giải thưởng này rất là hiếm trong khối quân sự nên vì thế áp lực đương nhiên đối với chúng tôi là khá lớn bởi sau khi nhận được Giải thưởng thì mình được công nhận, được cả xã hội ghi nhận thì bản thân chúng tôi phải nâng cao trách nhiệm để những sản phẩm nghiên cứu, cải tiến tiếp theo của mình càng ngày càng hoàn thiện, càng ngày càng có sức sáng tạo hơn. Tuy nhiên Giải thưởng cũng là nguồn động viên, cổ vũ cho toàn bộ cán bộ, nhân viên của Viện hăng say nghiên cứu, cũng như làm các đề tài nghiên cứu thiết thức với cuộc sống, với xã hội”, Đại tá Lý bộc bạch.
Bài: Nguyễn Hùng
Video - Ảnh: Trọng Trinh
* Một số hình ảnh trong video và ảnh trong bài sử dụng tư liệu cung cấp của Viện kỹ thuật cơ giới quân sự.