Giải thưởng hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn
Mở đầu cho sự kiện, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập báo Dân trí – Phó trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã trình bày về những điểm đổi mới của Giải thưởng năm nay, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT.
“Trong 12 năm qua, có hàng nghìn sản phẩm tham dự Giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Không sản phẩm nào giống sản phẩm nào, nhưng tất cả đều có điểm chung, đó là đều một mục đích hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, vì một xã hội văn minh hơn”, ông Tuấn Anh phát biểu.
Ông Phạm Tuấn Anh – Phó trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trình bày về những thay đổi của cuộc thi năm nay. (Ảnh: Hữu Nghị)
Trong hệ thống giải thưởng năm nay, đáng chú ý phải kể tới việc mở ra hệ thống giải thưởng “Công nghệ thông tin Khởi nghiệp”, nhằm thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của cộng đồng khởi nghiệp cũng như các bạn sinh viên đóng góp ý tưởng, sản phẩm CNTT có chất lượng cao.
“Thay đổi này được đưa ra sau khi Giải thưởng Nhân tài Đất Việt những năm trước ghi nhận có nhiều startup đoạt giải và thu được những thành công thực tiễn trong lĩnh vực này, điển hình như Mạng giáo dục Việt Nam vnEdu đoạt giải Khuyến khích năm 2014, Bộ sản phẩm ứng dụng công nghệ hạ tầng khóa công khai trên nền tảng di động (Mobile PKI) đoạt giải nhì năm 2014”, ông Tuấn Anh cho biết.
“Không chỉ được ứng dụng thực tế tại Việt Nam, nhiều sản phẩm đoạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt còn tìm được chỗ đứng trên thị trường thế giới, điển hình như ứng dụng quản lý tài chính MoneyLover, giải nhất năm 2014 trong hạng mục ứng dụng di động xuất sắc nhất, đã thu hút hơn 1,5 triệu người dùng cài đặt tại 22 quốc gia, hỗ trợ tới 165 đơn vị tiền tệ. Ngoài ra cũng phải kể đến ứng dụng dạy học MonkeyJunior, đoạt giải năm 2016 và tiếp tục ẵm luôn giải của Cuộc thi sáng tạo toàn cầu”.
Đại diện của trường ĐH Bách Khoa tóm tắt những thay đổi trong đào tạo đối với sinh viên khoa CNTT, nhằm hướng các em đến gần hơn với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (Ảnh: Hữu Nghị)
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay thống nhất chủ đề “Công nghệ sáng tạo, kết nối thông minh”, với kỳ vọng sẽ có nhiều phát hiện mới, sự bùng nổ về công nghệ ở các sản phẩm tham gia dự thi.
Theo các số liệu dự báo, đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có 4 tỷ người và 20 tỷ thiết bị kết nối với nhau bằng Internet kết nối vạn vật (IoT). Thị trường này sẽ tạo ra doanh thu khoảng 1,9 nghìn tỷ USD, với hơn 25 triệu ứng dụng lớn và nhỏ. Trong đó, máy tính và trí tuệ nhân tạo cũng sẽ “lấn sân” sang quá trình quản lý sản xuất, điều hành với tốc độ chưa từng thấy trước đây.
Điều này cho thấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng, tác động đến nhiều quốc gia. Xu thế này kết hợp cùng phong trào khởi nghiệp đang nổi lên tại Việt Nam, hứa hẹn tạo ra một động lực, sức sống mới trong sự phát triển của lĩnh vực CNTT nói riêng, và nền kinh tế nói chung.
Nhiều thông tin nóng cho bạn trẻ nung nấu startup
Ông Nguyễn hữu Thái Hòa – Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược VNPT, khách mời của buổi tọa đàm chia sẻ xoay quanh câu hỏi “Cơ hội nào cho Startup trong Cách mạng 4.0” (Ảnh: Hữu Nghị)
Với sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng như PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ông Nguyễn hữu Thái Hòa – Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược VNPT, chương trình mạng lại những thông tin thực sự cần thiết cho các bạn trẻ.
Đáng chú ý trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn hữu Thái Hòa – Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược VNPT tin tưởng “công nghệ thông minh” (smart) sẽ mang sự thay đổi đáng kể trong phần còn lại của thế kỷ 21, và giúp cho nhiều quốc gia tạo được sự đột phá.
“Tôi tin rằng trong 5 đến 15 năm nữa, Ấn Độ có khả năng qua mặt Trung Quốc nhờ nền tảng Smart được cá thể hóa trên từng con người và nền tảng CNTT vững mạnh”. Đề cập tới Việt Nam, ông cho rằng chúng ta đã lãng phí ít nhất 5 năm với vai trò Tổng thư ký ASEAN mà không dùng nó làm bàn đạp để bắt nhịp với làn sóng này.
Tuy nhiên nhiều diễn giả khẳng định chúng ta vẫn chưa bị tụt hậu quá nhiều, mà đang chuyển mình ở giai đoạn phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước. Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, và nhiều cuộc thi khác diễn ra trong năm 2017 đã và đang ghi nhận ngày một nhiều startup, doanh nghiệp quan tâm tới chuyển dịch Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Văn Tấn (phải) trả lời câu hỏi của sinh viên, startup trẻ về cách tiếp cận xu thế Công nghiệp 4.0 (Ảnh: Hữu Nghị)
Với vai trò là người đi đầu trong ngành CNTT của nước nhà, cũng như nhà tài trợ chính của cuộc thi Nhân tài Đất Việt trong suốt 12 năm, đại diện VNPT ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng Giám đốc VNPT Media chia sẻ những đóng góp của đơn vị cho thí sinh tham dự Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay.
“VNPT hiện đang sở hữu một tập khách hàng lên tới 5,5 triệu thuê bao trên mạng lưới hữu tuyến cùng 30 triệu thuê bao băng rộng (vô tuyến), và đây là một tài nguyên có giá trị được tập đoàn sử dụng để cung cấp cho các startup trẻ, giúp họ tiếp cận và cung cấp dịch vụ trên tập khách hàng đó.”
Đông đảo các bạn trẻ quan tâm đến khởi nghiệp đã tới dự chương trình. (Ảnh: Hữu Nghị)
Ngoài ra, ông cũng cho biết startup có thể trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức và những chiến lược kinh doanh của tập đoàn. “Lấy thí dụ, VNPT hiện đang có chiến lược đầu tư rất mạnh vào mạng băng rộng như đầu tư các trạm phát 4G nhằm tạo ra một mạng băng thông siêu rộng cùng nhiều giải pháp thông minh đi kèm”, ông tiết lộ. “Theo đó, startup có thể hợp tác cùng phát triển, mở rộng hệ thống thêm hoàn thiện hơn.”
Nội dung buổi tọa đàm cũng xoay quanh giải đáp khúc mắc cho các sinh viên, cũng như startup trẻ đang theo đuổi lĩnh vực CNTT nắm bắt được các xu thế của Cuộc cách mạng 4.0, đồng thời định hướng tư tưởng, cũng như sự chuẩn bị cần có để bắt nhịp với thay đổi chung.
Nguyễn Nguyễn – Báo Dân Trí