Hotline: 094 5540 303

Sản phẩm: Trợ lý ảo thông minh trợ giúp sinh viên (PTIT-Chatbot)

01/11/2018

Trợ lý ảo thông minh trợ giúp sinh viên (PTIT-Chatbot) ra đời với mục đích hỗ trợ sinh viên mới trong các trường đại học, cao đẳng một cách tốt nhất về các vấn đề trong khuôn viên trường cũng như đời sống để các em có những bước chuẩn bị tốt nhất khi bước chân vào môi trường học tập mới.

Sản phẩm “Trợ lý ảo thông minh trợ giúp sinh viên (PTIT-Chatbot)” có khả năng giải đáp các thắc mắc của sinh viên mới trên các lĩnh vực về Nhà trường và đời sống, cụ thể là:

-PTIT-Chatbot có khả năng hỗ trợ giải đáp những vấn đề được quan tâm nhất của sinh viên khi học tập tại môi trường mới. Những vấn đề đó bao gồm: thông tin liên quan đến học phí, quy định khi đóng tiền học; các hình thức miễn, giảm học phí; các thông tin về vị trí, cách liên lạc với các phòng, ban trong Nhà trường; thông tin về các câu lạc bộ; thông tin về công tác sinh viên, các hoạt động của đoàn thanh niên; các thông tin về quy chế tính điểm, cách đăng ký các môn học; quy định về khen thưởng, học bổng; các thông tin về lịch học, thời khóa biểu…

-PTIT-Chatbot có khả năng hỗ trợ quản lý lộ trình học tập của sinh viên như: điểm thi, số lượng tín chỉ, học phần đã hoàn thành; các giải thưởng, học bổng mà sinh viên đã đạt được…Từ đó hỗ trợ sinh viên có kế hoạch học tập phù hợp, tối ưu nhất. Bên cạnh đó, để hỗ trợ sinh viên hòa nhập nhanh mới môi trường học tập mới, trợ lý ảo còn có khả năng giải đáp các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của sinh viên. Các câu trả lời được thu thập, đóng góp từ những chia sẻ, lời khuyên của các thầy cô trong nhà trường cũng như của sinh viên khóa trên.

-PTIT-Chatbot có khả năng đặt các câu hỏi ngược lại người sử dụng khi nhận thấy các thông tin thu thập được còn thiếu và chưa đầy đủ cho việc xác định câu trả lời.

-PTIT-Chatbot có khả năng tương tác với người dùng thông qua giọng nhằm tăng khả năng trải nghiệm và đơn giản hoá quá trình sử dụng.

Sản phẩm đã được ứng dụng trong phạm vi Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (cơ sở phía Bắc). Tính riêng trong năm học mới 2018-2019, việc áp dụng sản phẩm đã giúp giảm đến 60% các cuộc gọi tới Văn phòng Học viện với các nội dung liên quan đến khuôn viên Nhà trường. Cũng nhờ đó, thời lượng mà các nhân viên trong Học viện dành cho việc trả lời các thắc mắc của sinh viên giảm xuống còn 3 giờ/ngày. Tính đến nay, việc triển khai sản phẩm PTIT-Chatbot đã đem lại nhiều lợi ích cho Nhà trường. Bên cạnh đó, theo khảo sát trên hơn 1.000 sinh viên mới sử dụng sản phẩm, có trên 90% sinh viên cảm thấy hài lòng về sự trợ giúp đến từ trợ lý ảo của Nhà trường.

Với chi phí thấp, đơn giản trong quá trình triển khai, vận hành và thân thiện với người dùng, nhóm tác giả kỳ vọng sẽ triển khai được ứng dụng trợ lý ảo trong phạm vi 100 trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam trong vòng 2 năm tới. Đưa sản phẩm trợ lý ảo đến với hơn 100.000 sinh viên mỗi năm.

Bên cạnh đó, dựa trên nhu cầu thực tiễn hiện nay, nhóm tác giả sẽ triển khai, mở rộng sản phẩm để ứng dụng trong các lĩnh vực khác. Cụ thể như phát triển giải pháp hỗ trợ bộ phận chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp trong tư vấn, giải đáp thắc mắc của khách hàng; phát triển sản phẩm như một kênh tra cứu các thông tin về các địa điểm du lịch trong phạm vi các Tỉnh; hỗ trợ người bệnh tra cứu các vấn đề về sức khỏe…

Nhóm tác giả: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Đỗ Trung Anh

Vũ Hoài Nam

Chung Hải Bằng

Ngô Quốc Dũng

Lê Văn Hoàng