Sách là kho tàng kiến thức đồ sộ nhất của nhân loại. Việc đọc sách mang lại cho chúng ta kiến thức về mọi lĩnh vực trong đời sống vì vậy nhu cầu đọc sách là rất lớn. Tuy nhiên đối với người khiếm thị, việc đó là một sự khó khăn rất lớn. Tháng 8 năm 2014, tổ chức y tế thế giới WHO công bố ước tính có khoảng 285 triệu người bị khiếm thị trên toàn thế giới. Trong đó có 39 triệu người mù và 246 triệu người suy giảm thị lực. Trong Khoảng 90% người khiếm thị sống ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thu nhập thấp. Việt Nam cũng được xếp vào trong nhóm các nước này.
Các thiết bị hỗ trợ người khiếm thị đọc sách ở nước ngoài có giá thành quá cao. Người khiếm thị ở các nước có thu nhập thấp như Việt Nam sẽ khó mà tiếp cận được. Hơn nữa, các thiết bị này không hỗ trợ tiếng Việt nên việc tiếp cận chúng đối với người khiếm thị Việt càng khó khăn hơn.
Đặc biệt, sau nhiều chuyến hoạt động xã hội ở các trung tâm, mái ấm của người khiếm thị, nhóm đã phỏng vấn những người khiếm thị ở đây và nhận ra rằng người khiếm thị rất có nhu cầu trong việc cập nhật tri thức và tin tức. Các cán bộ phụ trách ở các trung tâm, mái ấm đa phần đều là người khiếm thị nên họ rất cần một thiết bị giúp họ đọc các văn bản cấp trên triển khai hoặc các văn bản luật.
Vì vậy nhóm đề xuất đề tài Máy đọc sách cho người khiếm thị (VReader) để giải quyết những vấn đề nêu trên. Ý tưởng hoàn toàn do nhóm nghĩ ra, tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu, nhóm mới nhận ra đã có các thiết bị nước ngoài tương tự. Lúc đấy nhóm định bỏ cuộc vì đã có sản phẩm tương tự nhưng chính vì lý do sản phẩm tương tự chưa hỗ trợ tiếng Việt và giá thành còn quá cao nên tiếp thêm động lực để nhóm nghiên cứu và hoàn thành ý tưởng.
Nhóm tác giả:
– Phạm Nguyễn Hải Âu
– Đào Minh Tân
– Huỳnh Nhật Minh