Hotline: 094 5540 303

Startup trẻ từ chối nhiều lời mời hấp dẫn trên thế giới để trở về VN khởi nghiệp

17/05/2018

Tham gia giải Nhân tài Đất Việt (NTĐV) khi còn là sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, Lê Yên Thanh giành giải Nhì NTĐV 2015 với sản phẩm Busmap - xe buýt thành phố. Từ bệ phóng đó, anh từ chối hàng loạt lời mời từ các hãng công nghệ nước ngoài để về nước tiếp tục đam mê khởi nghiệp.

Có mặt trong chương trình Giao lưu Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 “Sức mạnh công nghệ Số – Cơ hội để thành công” đã diễn ra tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM ngày 15/5, Lê Yên Thanh đóng vai trò diễn giả “truyền lửa” cho hàng trăm sinh viên. Anh Thanh không chỉ được biết đến với thành tích giải Nhì NTĐV 2015 mà còn đang là giám đốc Công nghệ, đồng sáng lập Jobhop.

Lê Yên Thanh là một trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia Giải NTĐV và có sản phẩm đạt giải nhì năm 2015
Lê Yên Thanh là một trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia Giải NTĐV và có sản phẩm đạt giải nhì năm 2015

Tiếp tục phát triển sản phẩm đạt giải NTĐV tầm cao hơn

Nhắc về sản phẩm Busmap đạt giải năm 2015, Lê Yên Thanh cho biết sản phẩm này đang có những bước tiến mạnh. “Sau 2 năm ứng dụng này có thể chạy trên 3 nền tảng Android, iOS, Windows Phone và web với hơn 500.000 lượt tải sử dụng. Mỗi tháng có 5 triệu lượt người sử dụng Busmap trên nền tảng di động và web. Đây là một con số có thể còn khiêm tốn nhưng có thể lí giải bởi đa phần người dùng chỉ ở TPHCM. Theo số liệu công bố năm 2017, Busmap đã có 5 triệu lượt sử dụng/tháng thì cũng chiếm được 1 phần 6 số lượng người sử dụng phương tiện xe buýt. Đặc biệt, Busmap hiện nay đang chạy trên 2 máy chủ chỉ tốn 20 USD/tháng mà vẫn đảm bảo vận hành cho hơn 5 triệu người sử dụng”, anh Thanh chia sẻ.

Diễn giả Lê Yên Thanh chia sẻ kinh nghiệm thành công của startup trẻ bước ra từ Giải NTĐV
Diễn giả Lê Yên Thanh chia sẻ kinh nghiệm thành công của startup trẻ bước ra từ Giải NTĐV

Để đạt thành công này, team Busmap trải qua nhiều chặng đường để phát triển. Bắt đầu còn là sinh viên năm nhất, Lê Yên Thanh đã cùng một người bạn nghĩ ra ý tưởng về sản phẩm này. Lúc đó chỉ nghĩ đơn giản rằng muốn từ trường ĐH Khoa học Tự nhiên đến Hồ con rùa nên tìm chuyến xe nào nhanh nhất và đó là ý tưởng khởi đầu để Thanh nghiên cứu về sản phẩm này. Kết quả từ hè năm 1, hoàn thành sản phẩm chạy trên Windows Phone.

Mãi tới năm 2015 thì mới tự tin mang sản phẩm Busmap dự thi giải Nhân tài Đất Việt với mong muốn đưa sản phẩm đến nhiều hơn với cộng đồng và giúp nhiều cho người sử dụng phương tiện xe buýt.

Để hoàn thiện sản phẩm này cũng mất cả một quá trình, tham gia giải NTĐV 2 năm (2014, 2015) nhưng tới năm 2015 mới đưa Busmap đi dự thi. Lý do bởi trước đó mình nhận thấy sản phẩm này chưa thật sự tốt để đủ khả năng tranh giải NTĐV. Busmap ban đầu chỉ có mục tiêu thỏa niềm yêu thích công nghệ thông tin của bản thân và một phần giúp cho những người đi xe buýt được thuận tiện hơn. Tuy nhiên khi phát triển sản phẩm ra cộng đồng và được số lượng người dùng ủng hộ thì lúc đó nhóm nghiên cứu của mình đặt mục tiêu phải phát triển sản phẩm lên một tầm cao hơn. Đó là giúp cho người chưa từng đi xe buýt biết về sản phẩm này và thấy việc sử dụng phương tiện xe buýt cũng rất dễ dàng.

Đến hiện nay, sau hơn 2 năm kể từ khi giải NTĐV thì số người dùng tăng lên rất nhiều lần. Mục tiêu sắp tới sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm này chứ không chỉ dừng lại ở TPHCM mà nhóm sẽ triển khai sang nhiều tỉnh thành khác.

Sản phẩm startup phải vì cộng đồng

Bên cạnh đó, chia sẻ về kinh nghiệm tham gia giải NTĐV, anh Lê Yên Thanh cho rằng sinh viên sáng tạo về ý tưởng tuy nhiên nhiều bạn chưa quan tâm tới sản phẩm giúp ích cho nhiều người dùng. “Theo tôi, các sinh viên về công nghệ thường hạn chế về tư duy về mặt sản phẩm. Có 3 nguyên nhân khiến startup không thành công gồm sản phẩm không huy động được một team thực hiện; không đủ nguồn vốn và nguyên nhân cao nhất là làm ra không có người sử dụng. Đa phần sinh viên hiện nay làm nên những sản phẩm dựa trên những kiến thức mà mình có cũng như đam mê nhưng không thật sự giúp ích cho người dùng. Điều đó vừa gây lãng phí sức lực mà không thành công. Các sinh viên nên chú ý hơn đến tư duy làm sản phẩm và phải không ngừng học học để có kỹ năng hoàn thiện sản phẩm ấy”, anh Thanh lưu ý.

Sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên thích thú lắng nghe những chia sẻ của đàn anh Lê Yên Thanh
Sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên thích thú lắng nghe những chia sẻ của “đàn anh” Lê Yên Thanh

Theo anh Thanh, khi tham gia giải thưởng NTĐV, anh nhận thấy hội đồng Ban giám khảo không chỉ chấm về tính sáng tạo mà còn đánh giá cả tính thực tiễn, sự cống hiến đến cộng đồng. “Đó là lý do sau 2 năm hoàn thiện nhóm chúng tôi mới đưa Busmap dự thi giải NTĐV. Nếu muốn tham gia giải, tôi khuyên các bạn điều đầu tiên phải có ý tưởng, kế đến là lập một team (nhóm) để bù đắp những kiến thức cho nhau rồi sau đó mới làm sản phẩm. Khi làm sản phẩm thì phải trải qua các quá trình dài kiểm tra sản phẩm, thăm dò phản ứng của người dùng từ đó hoàn thiện sản phẩm. Lúc đó các bạn hoàn toàn có thể mang sản phẩm đi dự giải để tiếp tục phát triển ở những mục tiêu cao hơn”.

Khởi nghiệp là đam mê

Chia sẻ lý do từ chối nhiều lời mời từ các hãng công nghệ lớn trên thế giới để quay lại Việt Nam khởi nghiệp, anh Lê Yên Thanh chỉ rút ngắn gọn với 3 chữ “vì đam mê” nhưng chính điều đó thôi thúc việc trở về nước.

“Bản thân khi còn là sinh viên, mình có cơ hội trải qua nhiều trải nghiệm khác nhau như làm nghiên cứu khoa học, làm ở những công ty lớn về startup như VNG, Google… Qua quá trình như vậy, mình có thêm nhiều kinh nghiệm và thấy được niềm đam mê của mình ở đâu. Điều hối tiếc nhất chính là thời gian là sinh viên mình không biết rõ mình đam mê lĩnh vực gì. Nếu biết trước mình đam mê khởi nghiệp thì đã có sự chuẩn bị tốt hơn. Do đó, mình nhắn đến các bạn sinh viên rằng khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì điều quan trọng phải xác định được tương lai các bạn muốn điều gì để từ đó có sự chuẩn bị kỹ càng hơn”, Lê Yên Thanh chia sẻ.

Chàng trai trẻ cũng bộc bạch thêm rằng, bản thân mình luôn thích làm những điều mới, đặc biệt khi anh đọc được một quyển sách có tên “Từ 0 đến 1”. “Nó nói về việc làm một sản phẩm từ 0 đến 1 sẽ như thế nào và ngược lại. Khi làm về khởi nghiệp là làm về một điều mới, giải quyết một điều gì đó mà chưa ai từng nghĩ đến và mình cảm thấy thích thú. Cũng như khi làm sản phẩm Busmap, mình phát triển những tính năng đơn giản như người dùng có thể sử dụng offline (không dùng mạng). Mình luôn muốn cố gắng để trải nghiệm nhiều cái mới hơn nữa bởi sau 10 hay 20 năm nữa mình sẽ không còn kịp để khởi nghiệp”, anh Thanh trải lòng.

Bước sang năm thứ 14, Giải thưởng Nhân tài đất Việt tiếp tục khẳng định được sức sống và vị thế của một giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực CNTT với sự bảo trợ bởi: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Đồng hành cùng giải thưởng là các đơn vị tài trợ: Nhà tài trợ chính: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Nhà tài trợ Kim cương: Vingroup, Vietcombank, Vietnam Airlines, Nhà tài trợ vàng: Dược phẩm Eco ABBank, SunGroup; Nhà tài trợ Vận chuyển: Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific. Đơn vị đồng hành với Ban truyền thông báo Dân trí triển khai thực hiện Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 là Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media).

Lê Phương; Ảnh&clip: Phạm Nguyễn – Báo Dân trí