Đúng 8h ngày 18/11, Ban tổ chức và Hội đồng Giám khảo bắt đầu làm việc. Phát biểu trong buổi họp hội đồng Ban Giám khảo trước khi bước vào buổi chấm chung khảo với 20 nhóm thí sinh, ông Nguyễn Long – Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo lĩnh vực CNTT – gửi lời cảm ơn tới BTC và các nhà tài trợ đã đồng hành với giải thưởng trong suốt 14 mùa giải.
“Hôm nay sẽ là một ngày vừa vui nhưng sẽ là một ngày đầy vất vả với BGK. Giải thưởng NTĐV năm nay có 3 khối sản phẩm gồm sản phẩm triển vọng, di động kết nối và khởi nghiệp. BTC đã luôn nỗ lực giữ uy tín cho giải thưởng, đó là sự công tâm. Khác với các cuộc thi khác là họ chấm nhiều về ý tưởng nhưng với hội đồng này thì các sản phẩm dự thi phải là các sản phẩm hoàn chỉnh và gần như hoàn chỉnh, đã triển khai hoặc sắp sửa triển khai. Hội đồng này chỉ đánh giá cao các sản phẩm khi có công nghệ tốt, tối ưu hoá, có đường lối kinh doanh”, TS Nguyễn Long nhấn mạnh.
Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng Biên tập báo Dân trí, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng NTĐV 2018.
Phát biểu tại buổi chấm chung khảo sản phẩm NTĐV 2018, nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng Biên tập báo Dân trí, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng NTĐV, đã bày tỏ lòng cảm ơn tới BTC, hội đồng chung khảo đã giúp giải thưởng tạo ra những tiếng vang lớn.
“Tôi rất vui vì từ năm đầu tiên của Giải thưởng vào năm 2005, Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm đã trao giải cho anh anh Phạm Hữu Ngôn và hôm nay anh đã có mặt trong BGK. Điều này cho thấy các thành viên tham giai Giải thưởng đã sự trưởng thành rất lớn”, trưởng BTC Phạm Huy Hoàn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media, Phó trưởng Ban Tổ chức.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media, Phó trưởng Ban Tổ chức, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, giải thưởng nhân tài Đất Việt đã trải qua 14 năm và năm nào cũng hết sức căng thẳng, các bài thi năm sau đều tăng và chất lượng tốt hơn năm trước. Rất hiếm một cuộc thi có thể tồn tại lâu và nhận được hiệu ứng tốt từ truyền thông, xã hội như vậy. Để làm nên được điều này theo ông Tấn, BTC và BGK cuộc thi đã làm rất tốt tính công minh, lựa chọn ra những sản phẩm xứng đáng, chất lượng.
Ông Nguyễn Long – Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo lĩnh vực CNTT Giải thưởng NTĐV 2018.
“Rất nhiều sản phẩm đã được ứng dụng cùng VNPT. Năm nay, chúng tôi cũng đã tiếp xúc với các nhóm tác giả để có thể kế thừa, ứng dụng các sản phẩm cùng VNPT. Chúng tôi hy vọng giải thưởng sẽ tiếp tục phát huy sự công tâm, khách quan, chất lượng để chọn ra những sản phẩm tốt, xứng đáng”, ông Tấn nhấn mạnh.
Buổi họp hội đồng của BGK trước khi bước vào buổi thi chấm chung khảo Giải thưởng NTĐV 2018 lĩnh vực CNTT.
Sau khi họp hội đồng BGK, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới, BTC Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 đã gửi những bó hoa tươi thắm tới những đại diện BGK là các thầy cô đang là giảng viên trong các trường đại học trên cả nước, là những người luôn có những đánh giá công tâm với các sản phẩm dự thi.
Đại diện BTC tặng hoa các thầy cô giáo trong hội đồng giám khảo của Giải thưởng NTĐV 2018 mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Nhóm đầu tiên bảo vệ ở Hội đồng Sản phẩm CNTT khởi khiệp là nhóm tác giả của Công ty Cổ phần CYFEER với sản phẩm Hệ sinh thái chung cư thông minh CYHome. Đại diện nhóm tác giả này cho biết, ý tưởng của sản phẩm đến từ thực tế phát triển của những tòa chung cư hiện nay. Đây là một thị trường phát triển nhanh, có khả năng sinh lời, có những thay đổi lớn so với trước đây. Theo thống kê, trong hai năm tới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 1 triệu căn hộ chung cư mới. Tuy nhiên, cách quản lý cũ không thể đáp ứng được mô hình phát triển chung cư mới. Rất nhiều mâu thuẫn xung đột xảy ra giữa Chủ đầu tư và cư dân trong thời gian vừa qua như: vấn đề bảo dưỡng, bảo trì, tài chính… Hiện nay, không có tiêu chuẩn chung trong việc quản lý chung cư dẫn đến những bất cập, khó khăn trong việc quản lý tại các tòa nhà.
Nhóm tác giả cho biết, CYHOME là sản phẩm có thể giải quyết được những vấn đề bất cập trên. Trong đó, sản phẩm giúp quản lý tập trung, theo dõi thông tin, hiển thị dưới dạng dữ liệu đồ thị, số liệu thông minh… để Ban quản lý dễ theo dõi, xử lý. Đặc biệt, sản phẩm sẽ giúp quản lý toàn diện, có thể kết nối cư dân, hình thành cộng đồng cư dân. “CYHOME là sản phẩm giúp Ban quản lý quản lý tập trung và toàn diện. Ví dụ: khi hệ thống báo cháy có vấn đề, không đảm bảo thì các số liệu cũng sẽ hiển thị trên hệ thống. Ngoài ra, CYHOME còn giúp kết nối cư dân giống như một mạng xã hội, các cư dân có thể trao đổi các vấn đề của tòa nhà trên hệ thống hay có thể tìm giúp việc… Nghĩa là CYHOME là một sản phẩm ứng dụng CNTT giúp việc quản lý tòa nhà được hiệu quả, tiện lợi nhất”, nhóm tác giả trình bày.
Đánh giá về sản phẩm, Hội đồng BGK cho rằng trong phần trình bày, nhóm tác giả chưa nêu bật được 2 yếu tố quan trọng của một sản phẩm khởi nghiệp đó là: công nghệ và mô hình kinh doanh có gì mới, đặc biệt, có thể thành công hay không?. “Ở đây chúng tôi chưa rõ sản phẩm của bạn có gì mới. Về mô hình kinh doanh tôi cảm thấy các bạn hơi ôm đồm vì vừa là giải pháp quản lý chung cư nhưng lại kết hợp thêm cả mạng cả xã hội kết nối cư dân. Điều này sẽ tạo ra xung đột, ôm đồm nếu các bạn không xác định rõ mục tiêu của mình”, thành viên BGK nêu quan điểm.
Trong khi đó, các thành viên BGK khác cũng cho rằng, sản phẩm nên tích hợp luôn vào hệ thống của chung cư, còn nếu các tòa nhà chưa có hệ thống riêng thì sẽ cung cấp hệ thống đơn giản để quản lý. Ngoài ra, việc kỳ vọng CYHOME sẽ thay thế các mạng xã hội mà cư dân hiện nay đang sử dụng cũng chưa thực tế. Hội đồng giám khảo đưa ra lời khuyên, nhóm tác giả cần có sự nghiên cứu để khắc phục được điều này.
Tại Hội đồng chấm chung khảo lĩnh vực CNTT triển vọng, nhóm tác giải đến từ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam với Giải pháp hành chính công VNPOST-PA “đối điện” với Hội động giám khảo gồm các thành viên là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, những người mà luôn làm khó thí sinh bằng cách… hỏi xoáy.
Đại diện cho nhóm tác giả tham gia bảo vệ, trưởng nhóm Bùi Quốc Bảo cho biết, giải pháp hành chính công VNPOST-PA là sản phẩm mang tính thực tiễn, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính, lấy Người dân và Doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ theo xu hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo. Mục tiêu ra đời của sản phẩm là nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện kết nối mạng thông tin phục vụ việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Sản phẩm này hướng tới việc tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và xã hội, giảm thiểu số lượt người dân tham gia giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông.
Đối với cơ quan hành chính thì giảm chi phí hoạt động, tinh giản được biên chế, hạn chế phiền hà cho người dân, giảm bớt áp lực với các bộ phận nhận và trả kết quả, tạo điều kiện để cán bộ tập trung chuyên môn, nâng cao hiệu quả, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, giúp lành mạnh hóa các thủ tục hành chính.
Còn đối với Bưu điện Việt Nam thì thực hiện được nhiệm vụ về tham gia cải cách hành chính, khai thác tối đa và phát huy được hiệu quả mạng Bưu chính công ích do Nhà nước đầu tư.
Lắng nghe khá chăm chú với sản phẩm này, các thành viên giám khảo ngày lập tức đề nghị làm rõ tính pháp lý của sản phẩm cũng như đánh giá dữ liệu thu thập có được gọi là Bigdata hay không? Giải pháp có ảnh hướng tới dịch vụ hành chính công của Nhà nước hay không?…
Giải đáp vấn đề này, anh Bùi Quốc Bảo cho hay: Tính pháp lý thì đã được Chính phủ cho phép, còn dữ liệu ở đây chưa được gọi là Bigdata nhưng có thể gọi là dữ liệu lớn. Giải pháp được tích hợp với dịch vụ hành chính công nên không ảnh hưởng gì. Người dân có sự lựa chọn, nếu sử dụng hành chính công thì nhiệm vụ của sản phẩm này lúc này là trả kết quả qua đường bưu điện. Còn nếu người dân chọn bưu cục để làm thủ tục thì sẽ tiến hành khâu tiếp nhận, vận chuyển, giải quyết thủ tục và trả kết quả.
PGS.TS Lê Sỹ Vinh – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN, thành viên Hội đồng giám khảo thẳng thắn đánh giá: Cá nhân tối đánh giá cao giải pháp này, nếu mọi người dân biết đến thì sẽ giải quyết nhanh được thủ tục hành chính, đặc biệt là những người ở vùng khó khăn, vùng núi… Tuy nhiên vấn đề lớn ở đây: Nếu người dân muốn giải quyết thủ tục hành chính thì bắt buộc phải gửi hồ sơ gốc, vậy ai đảm bảo thông tin cá nhân của khách hàng cũng như đảm bảo không bị mất hay thất lạc hồ sơ gốc này? Nhân viên các bưu cục có đủ cơ sở pháp lý để kiểm tra hồ sơ, đảm bảo hồ sơ không bị thiếu theo quy định hay không?
“Ở đây chúng ta phải đặt niềm tin ở nhau mà thôi. Đây là một dịch vụ không bắt buộc nên khách hàng có quyền lựa chọn. Còn về nhân viên thì cũng chỉ tiếp nhận hồ sơ và chuyển đến cơ quan hành chính, nếu hồ sơ thiếu giấy tờ thì lập tức có phản hồi qua hệ thống để người dân bổ sung ngày”, trưởng nhóm Bùi Quốc Bảo cho hay.
Trao đổi với phóng viên sau màn “hỏi đáp” đầy căng thẳng với Hội đồng Ban giám khảo, trưởng nhóm Bùi Quốc Bảo chia sẻ: “Đây là một hệ thống khá đồ sộ nên với thời gian quy định là hơi ngắn nên gây khó khăn phần nào cho nhóm. Các câu hỏi của Ban giám khảo rất là hay và hỏi thẳng vào sản phẩm”.
“Cá nhân mình không đặt nặng vấn đề có đạt giải hay không mà điều quan trọng nhất là thông qua Giải thưởng Nhân tài Đất Việt thì sản phẩm sẽ được nhiều người dân biết đến hơn dịch vụ hành chính công. Nếu dịch vụ hành chính công mà không có người dân tương tác thì chỉ có một chiều thì không thể có hiệu quả”, anh Bùi Quốc Bảo nói.
Nhóm thí sinh tiếp theo bảo vệ ở Hội đồng Sản phẩm CNTT Khởi nghiệp là sản phẩm Hệ thống Nông nghiệp thông minh Nextfarm, của tác giả Trần Quang Cường, tới từ Công ty Cổ phần HOSCO.
Thí sinh trình bày câu chuyện về thực trạng nông nghiệp hiện nay, khi người làm trang trại (farm) sẽ gặp nhiều vấn đề trong khâu quản lý nông nghiệp thô sơ, như không kịp tham khảo ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp, hoặc không kịp thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, bệnh dịch cây trồng.
Nhằm giải quyết bài toán này, nhóm đã đưa ra giải pháp quản lý thông minh nhằm tự động hoá quy trình sản xuất. Qua đó, dữ liệu nông nghiệp sẽ được thống kê đầy đủ qua biểu đồ, phân tích số liệu chi tiết, rõ ràng, giúp cho quá trình khi chuyển thông tin sang các chuyên gia, và các chuyên gia có thể từ hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, hệ thống cũng cho phép cảnh báo sớm dịch bệnh, nguồn nước, môi trường.
Nhóm cho biết chiến lược thời gian tới sẽ chiếm 60% thị phần Nông nghiệp thông minh tại Việt Nam, đồng thời mở rộng ra thị trường Đông Nam Á.
Đánh giá về sản phẩm, đại diện của Hội đồng Giám khảo thắc mắc rằng hiện giải pháp của nhóm hiện chỉ tập trung vào trình diễn số liệu, tự động, thì yếu tố “thông minh” thể hiện ở đâu, vì “thông minh là phải tự đưa ra đánh giá, điều chỉnh theo từng trường hợp dựa trên AI”. Các giám khảo cũng thắc mắc không biết nếu một giải pháp sau khi được triển khai trên một loại cây trồng thì liệu có thể nhận biết và tự nhận biết trên các loại giống cây tương tự hay không.
Hội đồng liên tục đưa ra những câu hỏi khó liên quan tới bảo mật, đó là khả năng bảo vệ an toàn thông tin, bảo vệ hệ thống, chống tấn công như thế nào, nếu đối thủ tấn công thì bảo vệ ra sao. Rõ ràng, việc chống bị lợi dụng thiết bị IoT để sử dụng vào mục đích xấu đang là một vấn đề rất được quan tâm trong cộng đồng hiện nay. Nếu như không có biện pháp đủ tốt, các thiết bị này có thể “quay trở lại” và chống lại chính chủ nhân hoặc phát tán thông tin ngoài mong muốn.
Bên cạnh đó, yếu tố về bản quyền, quyền sử dụng dữ liệu,… cũng được các giảm khảo đặc biệt quan tâm. TS. Vũ Tất Thắng, đại diện cho BGK đặt câu hỏi: “Dữ liệu các bạn lấy từ đâu ra, có được quyền sử dụng nó hay không. Nếu sở hữu mà không được phép hoặc bán dữ liệu cho các bên doanh nghiệp là 1 vấn đề”.
Một sản phẩm khác về nông nghiệp cũng nằm trong nhóm Khởi nghiệp có buổi bảo vệ sáng nay đó là Giải pháp Nông nghiệp Công nghệ cao Tinh gọn, chuyên nông Mr.Farm Mini của tác giả Phạm Cao Kỳ, tới từ Công ty TNHH Công nghệ MRVINA.
Đây được đánh giá là một trong những giải pháp nông nghiệp hưởng ứng CMCN 4.0 tiêu biểu bằng cách xây dựng hệ thống IoT, đồng thời sẽ triển khai các giá trị về AI trong tương lai.
Trong phần trình bày, nhóm tác giả dẫn chứng về những vụ việc đáng chú ý trong năm vừa qua như “Giải cứu dưa hấu tại Quảng Nam” với giá chỉ 2 ngàn đồng/ký, mà chất lượng lượng chỉ bằng 3,4 phần so với siêu thị bán ra, hay vụ “Hồ tiêu Gia Lai chết hàng loạt”. Điểm chung của những vấn đề này là do quy trình trồng và chăm sóc của người dân gặp vấn đề, dẫn đến không đảm bảo chất lượng đầu ra.
Theo đó, nhóm thí sinh đã đưa ra giải pháp mô hình Mr.Farm với mục tiêu giải quyết các vấn đề nêu trên. Do dành cho người nông dân, nên đặc điểm của giải pháp này là tinh gọn, “cắm là chạy”, tự động hoá hoàn toàn. Từ đó chuẩn hoá quy trình chăm sóc, dinh dưỡng.
Đặt câu hỏi cho nhóm thí sinh, Hội đồng Giám khảo đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý nông nghiệp, đồng thời tự động hoá tất cả quy trình cho người dân, nhưng đặt câu hỏi về định hướng kinh doanh của nhóm vẫn còn khá lẫn lộn, không biết là chỉ cung cấp giải pháp phần mềm hay sẽ triển khai cả cung cấp phần cứng, thiết bị.
Bên cạnh đó, yếu tố cạnh tranh về mô hình kinh doanh của nhóm cũng được BGK tranh luận gay gắt. Lý do là vì việc xây dựng một hệ thống thiết bị quản lý nông nghiệp có giá chỉ 17 triệu đồng như Mr.Farm thì rõ ràng đã có lợi thế với những doanh nghiệp cung cấp thiết bị hàng trăm triệu đồng, nhưng nếu nhóm định hướng về phát triển giải pháp, nền tảng như hiện nay thì sẽ gặp rất nhiều sự cạnh tranh từ các đối thủ tương tự trên thị trường.
***
Lịch chấm chung khảo sẽ diễn ra từ 7h30 và kéo dài cả ngày hôm nay tại trụ sở VNPT 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Các tác giả, nhóm tác giả sẽ có 45 phút trình bày về sản phẩm và trả lời các câu hỏi phản biện của hội đồng.
Sẽ có 3 Hội đồng chấm thi bao gồm Hội đồng chấm sản phẩm Số triển vọng; CNTT Khởi nghiệp và CNTT Kết nối, Di động. Trưởng ban giám khảo là Tiến sĩ Nguyễn Long- Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam, các thành viên trong BGK là những chuyên gia đầu ngành về CNTT hiện nay tại Việt Nam.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực CNTT năm 2018 có tổng cộng 318 sản phẩm dự thi. Qua quá trình sơ tuyển, Hội đồng Giám khảo sơ khảo đã chọn được 79 sản phẩm hợp lệ và đủ điều kiện để đưa vào chấm thi Sơ khảo, trong đó có 23 sản phẩm Số triển vọng, 30 sản phẩm CNTT Khởi nghiệp và 20 sản phẩm CNTT Kết nối, Di động.
Họp báo công bố 20 sản phẩm lọt Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018
Ngày 03/11, Hội đồng Sơ khảo lĩnh vực CNTT đã có buổi làm việc tập trung, nghiêm túc và công minh để có thể lựa chọn ra 20 đại diện tác giả, nhóm tác giả với các sản phẩm xuất sắc nhất tham gia vòng thi Chung khảo.
Mặc dù là hệ thống sản phẩm được đưa vào lần đầu tiên trong Giải thưởng năm 2018, song nhóm Sản phẩm số triển vọng đã có số lượng bài dự thi được lựa chọn vào chấm sơ khảo khá ấn tượng, với 23 sản phẩm. Những sản phẩm đều được triển khai với mục tiêu hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là xu hướng chuyển đổi số đang phát triển nhất hiện giờ.
Năm thứ hai được nằm trong hệ thống Giải thưởng chính thức của lĩnh vực CNTT, sản phẩm dự thi lĩnh vực CNTT Khởi nghiệp được đánh giá đã thu hút nhiều sản phẩm từ phong trào khởi nghiệp đang rất phát triển hiện nay. Các sản phẩm dự thi lĩnh vực CNTT Khởi nghiệp hầu hết đều là startup hoặc đang làm trong doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này được chứng minh khi lĩnh vực sản phẩm CNTT Khởi nghiệp có số lượng tham gia đông đảo nhất, với 36 sản phẩm đủ điều kiện vào vòng chấm sơ khảo.
Sản phẩm thuộc lĩnh vực CNTT Kết nối, Di động cũng thu hút đông đảo số lượng tác giả, nhóm tác giả dự thi, với 20 sản phẩm được lựa chọn vào vòng chấm sơ khảo. Các sản phẩm được Hội đồng sơ khảo đánh giá đi đúng xu thế công nghệ cũng như hướng tới những vấn đề nóng trong xã hội hiện nay như: giám sát vấn đề thoát nước đô thị, nông nghiệp thông minh …
Đáng chú ý, cuộc thi năm nay thu hút cả những thí sinh không nằm trong độ tuổi phổ thông, điển hình như thí sinh nhỏ tuổi nhất chỉ mới 13 tuổi là cháu Vũ Hải Ngân với sản phẩm “Phần mềm Sổ tay Khám – chữa bệnh Đông Y, hay thí sinh cao tuổi nhất là bác Đặng Văn Cơ, 76 tuổi, với sản phẩm tiền vàng FIR 4.0.
Nhóm PV – Báo Dân trí